Quy định về thu các loại Lệ phí bắt đầu thực hiện từ 01/01/2017
Các loại lệ phí mới từ ngày 01/01/2017

1. Nộp 100% lệ phí cấp phép lập Sở Giao dịch hàng hoá vào NSNN

Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Thông tư 168/2016/TT-BTC ngày 26/10/2016 của Bộ Tài chính.

Theo đó, tổ chức thu lệ phí cấp Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hoá nộp toàn bộ số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước (NSNN) theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Các chi phí trang trải cho việc thu lệ phí này do NSNN bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi NSNN theo quy định của pháp luật.

Như vậy, không còn trường hợp giữ lại 50% số tiền thu được để trang trải cho việc thu lệ phí đối với trường hợp ủy quyền cho tổ chức thu như quy định tại Thông tư 77/2012/TT-BTC ngày 16/5/2012 của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Thông tư 168/2016/TT-BTC còn quy định cụ thể về mức phí thẩm định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại và lệ phí cấp Giấy phép thành lập Sở Giao dịch hàng hoá.

Thông tư 168/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.

2. Lệ phí cấp phép nhập khẩu thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện

Vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 184/2016/TT-BTC quy định về phí thẩm định điều kiện hoạt động viễn thông với đài vô tuyến điện và lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện.

Theo đó, quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí, lệ phí như sau:

- Lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện là 200.000 đồng/giấy phép.

- Phí thẩm định điều kiện hoạt động viễn thông đối với đài vô tuyến điện là 2.500.000 đồng/lần.

- Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại kho bạc nhà nước.

- Tổ chức thu phí được để lại 90% số phí thu được và nộp 10% còn lại vào ngân sách nhà nước.

- Tổ chức thu lệ phí nộp 100% số lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Thông tư 184/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 và thay thế Quyết định89/2004/QĐ-BTC .

3. Lệ phí cấp giấy phép lái xe là 135.000 đồng

Đây là quy định tại Thông tư 188/2016/TT-BTC về phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng. Theo đó:

- Mức thu lệ phí cấp giấy phép lái xe là 135.000 đồng, áp dụng chung cho cấp mới, cấp lại và cấp đổi giấy phép lái xe quốc gia, quốc tế; thay cho ba mức như quy định tại Thông tư 73/2012/TT-BTC .

- Giữ nguyên mức thu phí sát hạch lái xe cơ giới đường bộ và lệ phí đăng kí, cấp biển xe máy chuyên dùng.

- Không áp dụng mức phí sát hạch và lệ phí cấp giấy phép lái xe nêu trên khi sát hạch và cấp giấy phép lái xe cho lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

- Tổ chức thu phí định kì gửi số phí đã thu được trong tuần trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước chậm nhất là ngày thứ 2 hàng tuần.

Thông tư 188/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) thay thế Thông tư76/2004/TT-BTC, Thông tư 73/2012/TT-BTC và Thông tư 23/2013/TT-BTC .

4. Lệ phí cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm

Ngày 10/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 214/2016/TT-BTC quy định chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh. Theo đó:

- Mức thu lệ phí cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh và lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh là 50.000 đồng/hồ sơ.

- Mức thu phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản được quy định như sau:

+ Tài liệu in trên giấy: 15.000 đồng/trang quy chuẩn;

+ Tài liệu điện tử dưới dạng đọc: 6.000 đồng/phút;

+ Tài liệu điện tử dưới dạng nghe, nhìn: 27.000 đồng/phút.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định tổ chức thu phí có trách nhiệm phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước chậm nhất là vào ngày 05 hàng tháng.

Thông tư 214/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

5. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp năm 2017

Ngày 10/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 215/2016/TT-BTC về phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Theo đó:

- Giữ nguyên mức thu lệ phí cấp mới, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký doanh nghiệp là 200.000 đồng/lần.

- Nâng mức thu lệ phí cấp lại GCN đăng ký doanh nghiệp lên 200.000 đồng/lần (hiện hành là 100.000 đồng/lần).

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định một số mức thu phí mới khi cung cấp thông tin doanh nghiệp như:

- Phí cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; cung cấp báo cáo tài chính các loại doanh nghiệp: 40.000 đồng/bản.

- Phí cung cấp báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp: 150.000 đồng/báo cáo.

- Phí cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên: 5.000.000 đồng/tháng.

Trường hợp doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử; cơ quan nhà nước đề nghị cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước… sẽ được miễn phí.

Thông tư 215/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

6. Lệ phí gia hạn hộ chiếu là 100.000 đồng/lần cấp

Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 219/2016/TT-BTC về mức phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thông tư này cũng quy định một số mức phí, lệ phí mới như sau:

- Lệ phí cấp thẻ ABTC của thương nhân APEC là 1.200.000 đồng/lần cấp đầu tiên và 1.000.000 đồng khi cấp lại.

- Phí cấp thị thực đối với loại có giá trị trên 01 tháng đến 02 năm  là 145 USD.

- Phí cấp thị thực đối với loại có giá trị trên 05 tháng đến 05 năm là 155 USD.

- Phí cấp thị thực cho trẻ em dưới 14 tuổi (không phân biệt thời hạn) là 25 USD.

- Phí cấp thị thực theo Thỏa thuận song phương về cấp thị thực giá trị nhập xuất cảnh nhiều lần, thời hạn 01 năm là 100 USD.

Thông tư 219/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 và thay thế Thông tư157/2015/TT-BTC.

7. Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên là 100.000 đồng

Vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 224/2016/TT-BTC quy định về phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề, hoạt động quản lý, thanh lý tài sản; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên. Theo đó:

- Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp tiến hành thu:

+ Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên: 100.000 đồng/hồ sơ;

+ Phí thẩm định tiểu chuẩn, điều kiện hành nghề quản lý, thanh lý tài sản: 800.000 đồng/hồ sơ.

- Sở Tư pháp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thu:

+ Phí thẩm định điều kiện hoạt động quản lý, thanh lý tài sản đối với quản tài viên đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách là cá nhân: 500.000 đồng/hồ sơ;

+ Phí thẩm định điều kiện hoạt động quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản: 500.000 đồng/hồ sơ.

Thông tư  224/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

8. 07 loại lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh

Ngày 11/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 250/2016/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, quy định 07 loại lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh (hiện nay là 16 khoản lệ phí) bao gồm:

- Lệ phí hộ tịch;

- Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất;

- Lệ phí cấp giấy phép xây dựng;

- Lệ phí đăng ký kinh doanh;

- Lệ phí đăng ký cư trú;

- Lệ phí cấp chứng minh nhân dân;

- Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Riêng hoạt động đăng ký cư trú, cấp CMND, cấp giấy phép lao động thì HĐND chỉ quyết định lệ phí đối với hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện.

Thông tư 250/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 và thay thế Thông tư 02/2014/TT-BTC.

9. Lệ phí cấp phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài

Vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 259/2016/TT-BTC về mức thu, sử dụng phí xác minh giấy tờ, lệ phí cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, quy định mức thu phí và lệ phí đối với hoạt động trên như sau:

- Lệ phí cấp phép hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng:

+ Cấp mới: 5.000.000 đồng/lần

+ Cấp đổi, cấp lại: 2.500.000 đồng/lần.

- Phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiếp nhận lao động Việt Nam:

+ Tại Đài Loan: 1000 Đài tệ/hồ sơ

+ Tại Malaysia: 100 Ringgit/hồ sơ.

- Phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của cá nhân trong nước đi làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản:  100.000 đồng/hồ sơ.

Thông tư 259/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 và thay thế Thông tư37/2006/TT-BTC .

10. Lệ phí cấp hộ chiếu tại cơ quan đại diện VN ở nước ngoài

Ngày 14/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 264/2016/TT-BTC quy định mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao áp dụng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Theo đó, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chịu mức thu lệ phí tại Phụ lục 1 như sau:

- Lệ phí cấp mới hộ chiếu là 70 USD/quyển;

- Lệ phí cấp lại hộ chiếu do để hỏng hoặc mất là 150 USD/quyển;

- Lệ phí nhập quốc tịch là 250 USD/người, trở lại quốc tịch là 200 USD/người, thôi quốc tịch là 200 USD/người.

Ngoài ra, Thông tư cũng ban hành Biểu mức thu phí cấp thị thực tại Phụ lục 2, điển hình như:

- Thị thực có giá trị nhập xuất cảnh 1 lần: 25 USD/chiếc;

- Thị thực có giá trị nhập xuất cảnh nhiều lần, có giá trị đến 3 tháng: 50 USD/chiếc;

- Thị thực có giá trị nhập xuất cảnh nhiều lần, có giá trị trên 03 tháng đến 06 tháng: 95 USD/chiếc.

Thông tư 264/2016/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017 và thay thế Thông tư 236/2009/TT-BTC .

11. Bỏ thu lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế

Ngày 14/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 278/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, bỏ thu một số lệ phí trong lĩnh vực y tế như sau:

- Lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế (thay vào đó sẽ thu Phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế: 2.000.000 đồng/hồ sơ);

- Lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký;

- Lệ phí cấp giấy phép lưu hành tự do (CFS)/chứng nhận sản phẩm dược (CPP) đối với dược phẩm xuất khẩu, thiết bị y tế sản xuất trong nước đã có giấy phép lưu hành;

- Lệ phí cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do mỹ phẩm;

- Lệ phí cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám,chữa bệnh;

- Lệ phí cấp, cấp lại giấy phép hoạt động cho cơ sở khám, chữa bệnh.

Thông tư 278/2016/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017.

12. Giá đất tính lệ phí trước bạ khi chuyển nhượng QSDĐ

Ngày 15/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 301/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí trước bạ.

Theo đó, việc xác định giá đất để tính lệ phí trước bạ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) được xác định như sau:

- Nếu giá đất trong hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cao hơn giá do UBND cấp tỉnh ban hành thì tính lệ phí trước bạ theo giá trong hợp đồng chuyển nhượng;

- Nếu giá đất trong hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh ban hành thì tính theo giá do UBND cấp tỉnh ban hành như quy định hiện nay.

Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn giá đất tính lệ phí trước bạ trong một số trường hợp khác, cụ thể:

- Trường hợp chuyển mục đích SDĐ mà trước đó không phải nộp lệ phí trước bạ khi được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ thì tính lệ phí trước bạ theo giá đất theo mục đích sử dụng mới tại Bảng giá đất của UBND cấp tỉnh;

- Đất tái định cư được cơ quan Nhà nước giao đất và phê duyệt giá đất cụ thể (đã được bù trừ giữa giá đền bù và giá đất tái định cư) thì tính theo giá đất được phê duyệt.

Thông tư 301/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

13. Quy định cụ thể mức lệ phí đăng ký nuôi con nuôi

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 114/2016/NĐ-CP quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài.

Theo đó, mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi được quy định như sau:

- Trường hợp nhận nuôi con nuôi trong nước: 400.000 đồng/trường hợp.

- Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận con nuôi là công dân Việt Nam: 9.000.000 đồng/trường hợp.

- Trường hợp người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới của Việt Nam làm con nuôi: 4.500.000 đồng/trường hợp.

- Mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: 150 đô la Mỹ/trường hợp.

Mức lệ phí này được quy đổi ra đồng tiền của nước sở tại theo tỷ giá bán ra của đồng đô la Mỹ do ngân hàng nơi cơ quan đại diện Việt Nam ở nước đó mở tài khoản công bố.

Nghị định 114/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2017..

Tin tức
Đăng nhập
Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1