Qua
9 năm triển khai thi hành, Luật Căn cước công dân 2014 đã tạo thuận lợi cho
nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự,
kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, việc thi hành Luật cũng bộc lộ một số khó khăn,
vướng mắc cần giải quyết; nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy
hoạt động chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án 06. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã
ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ
thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Do
vậy, để tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta, việc sửa đổi Luật Căn cước
công dân năm 2014 là cần thiết.

Luật Căn cước năm 2023 được Quốc hội khóa XV, kỳ
họp thứ 6, thông qua ngày 27/11/2023 (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024,
trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 46), gồm 07 chương, 46 điều, quy định
về: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn
cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật Căn cước 2023 có những điểm mới như sau:
1. Chính
thức đổi tên thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước
Tại khoản 1 và khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước định quy định: “Thẻ Căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng
thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo
quy định của Luật Căn cước”.
Việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước là để phù
hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhân dạng thông tin công dân của
các nước trên thế giới hiện nay (Idencity Card - Thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng
cá nhân). Bên cạnh đó, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn
cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn
thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây.
Việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến
tâm lý người dân vì tại Điều 46 Luật Căn cước về điều khoản chuyển tiếp cũng đã
quy định: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin
từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; thẻ
Căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật
này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ Căn cước được quy định tại Luật
này. Như vậy, việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước sẽ không
tác động, ảnh hưởng đến các giấy tờ pháp lý có thể hiện thông tin số CMND, số
căn cước công dân (công dân không phải thực hiện cấp đổi, cấp lại các giấy tờ
này), đồng thời, thẻ căn cước công dân còn giá trị sử dụng có giá trị như thẻ
căn cước cho đến khi hết giá trị (công dân không cần làm thủ tục cấp đổi lại thẻ
căn cước công dân). Do vậy, không ảnh hướng đến chi phí của người dân, xã hội
và ngân sách nhà nước.
2. Người
dân có phải đổi thẻ CCCD sang thẻ Căn cước không?
Tại Điều 46 Luật Căn cước quy định: “Thẻ
Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá
trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được
cấp đổi sang thẻ căn cước”. Trường hợp thẻ căn cước công dân, chứng
minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30
tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm
2024.
Đối với các trường hợp công dân đang sử dụng thẻ
CCCD vẫn còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn
mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ
CCCD sang thẻ căn cước.
3. Sẽ
khai tử Chứng minh nhân dân từ 01/01/2025
Tại khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước quy định: “Chứng
minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị
sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý
đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được
giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi,
điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã
cấp”. Chứng
minh nhân dân chỉ có giá sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.
4. Luật Căn cước quy định thông tin trong Cơ sở dữ liệu
căn cước
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước bao gồm:
(1) Họ, chữ đệm và tên khai sinh.
(2) Tên gọi khác.
(3) Số định danh cá nhân.
(4) Ngày, tháng, năm sinh.
(5) Giới tính.
(6) Nơi sinh.
(7) Nơi đăng ký khai sinh.
(8) Quê quán.
(9) Dân tộc.
(10) Tôn giáo.
(11) Quốc tịch.
(12) Nhóm máu.
(13) Số chứng minh nhân dân 09 số.
(14) Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử
dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được
cấp.
(15) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân,
số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại
diện hợp pháp, người được đại diện.
(16) Nơi thường trú.
(17) Nơi tạm trú.
(18) Nơi ở hiện tại.
(19) Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
(20) Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.
(21) Thông tin sinh trắc học
gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.
(22) Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân
dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.
(23) Trạng thái của căn cước điện tử. Trạng
thái của căn cước điện tử được thể hiện dưới hình thức khóa, mở khóa và các mức
độ định danh điện tử.
So với Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Căn cước năm 2023 bổ
sung các trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Tên gọi
khác; Số định danh cá nhân; Nơi sinh; Số chứng minh nhân dân 09 số; Ngày,
tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công
dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp;
Nơi tạm trú; Tình trạng khai báo tạm vắng; Số hồ sơ cư trú; Mối quan hệ
với chủ hộ; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân
dân 09 số các thành viên hộ gia đình tại nơi cư trú; Số thuê bao di động, địa
chỉ thư điện tử; Thông tin khác theo quy định của Chính phủ.
Việc quy định về bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư tại Luật Căn cước là phù hợp vì: Hiện nay, việc kết nối,
chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa
phương đang được triển khai thực hiện quyết liệt đem lại những kết quả thiết thực,
phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành
chính, cung cấp dịch vụ hành chính công. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm
được chi phí trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu riêng hoặc không cần thiết phải
xây dựng cơ sở dữ liệu riêng khi đã được kết nối, khai thác thông tin trong Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung
là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay. Do vậy, việc đầu tư, nâng
cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong Cơ sử dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư sẽ
tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt để lưu trữ
các thông tin này. Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư cũng sẽ được chia sẻ phục vụ để việc khai thác chung cho các bộ, ngành,
địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối,
chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được bổ sung, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư.
5. Người được cấp thẻ căn cước; Độ tuổi được cấp thẻ căn cước
So với Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Căn cước năm 2023 bổ
sung việc cấp Căn cước đối với người dưới 14 tuổi; tuy nhiên, Luật cũng quy định
việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là không bắt buộc và thực hiện
theo nhu cầu của người dân (khoản 3 Điều 19) và không thu nhận thông tin nhân dạng
và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi (điểm a khoản 2 Điều 23).
Như vậy, theo quy định mới của Luật Căn cước thì khi trẻ em từ 06 tuổi trở lên
khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước mới phải thực hiện thu nhận thông tin sinh trắc
học. Việc bổ sung quy định này bảo đảm tính khả thi khi hiện nay đã có sự thay
đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như đối với vân tay thì sử
dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản nên
có thể thực hiện thu nhận được vân tay của người từ đủ 05 tuổi trở lên vẫn bảo
đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi
cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn đang thực
hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và
các quy định pháp luật khác có liên quan; đồng thời, tương thích với pháp luật
của nhiều nước trên thế giới.
Mặt khác, thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế
cho việc cấp giấy khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện cấp giấy khai
sinh cho người dân theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc sử dụng giấy
khai sinh với kích thước của tờ A4, dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ
được cấp một lần trong suốt cuộc đời; giấy này chỉ có các biện pháp bảo mật, chống
làm giả sơ sài, lạc hậu, dễ bị làm giả và chứa được rất ít thông tin của người
dân nên sẽ gây rất nhiều khó khăn, bất tiện cho người dân. Trong khi đó, thẻ
căn cước với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn
có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân sẽ
mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong việc đi lại (như đi máy bay, tàu hỏa…),
học tập, khám chữa bệnh (như không cần phải mang theo thẻ Bảo hiểm y tế, Sổ
tiêm chủng…) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày nên hiệu
quả về lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi thực hiện quy định này là rất lớn.
6. Giá trị sử dụng của thẻ căn cước,
giá trị sử dụng thông tin tích hợp trên thẻ căn cước
Giá trị sử dụng
của thẻ căn cước được quy định cụ thể tại Điều 20 Luật Căn cước:
1. Thẻ căn cước
có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ
căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công,
các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Thẻ căn cước
được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế
cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất
nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.
3. Thẻ căn cước
hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra
thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở
dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người
được cấp thẻ căn cước phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ
chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu
người được cấp thẻ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích
hợp vào thẻ căn cước; trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ
căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý
chứng minh các thông tin đã thay đổi.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Căn cước thì những thông tin được tích hợp
vào thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình
các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin được tích hợp.
Việc sử dụng thẻ
Căn cước công dân gắn chíp đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương
thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan
có thẩm quyền cấp cho công dân nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người
dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác.
Việc tiếp tục cấp
hoặc không cấp bản giấy các giấy tờ chứa thông tin đã được tích hợp vào thẻ Căn
cước công dân do cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đề xuất cấp có thẩm quyền quyết
định. Trong trường hợp thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay thế hoàn toàn
cho việc sản xuất, cấp các loại giấy tờ khác thì sẽ được điều chỉnh, quy định tại
các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan.
7. Từ 01/7/2024, công dân sẽ có Căn cước điện tử
Tại khoản 1 Điều 31 Luật Căn cước quy định: “Mỗi
công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử”.
Như vậy, một
trong những nội dung đáng chú ý khác của điểm mới Luật Căn cước là bổ sung Căn
cước điện tử. Căn cước điện tự được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử.
Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được
tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện
thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu
của công dân.
8. Bổ sung thu thập thông tin về mống mắt khi làm thủ tục
cấp thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024
Tại khoản 3 Điều 18 Luật Căn cước 2023 thì thông tin được mã hóa, lưu trữ trong
bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước gồm thông tin về ảnh khuôn mặt, vân
tay, mống mắt của công dân.
Tại Điều 23 Luật Căn cước 2023 thì trong thủ tục cấp thẻ căn cước cho
người từ đủ 14 tuổi trở lên có quy định về người tiếp nhận thu nhận thông tin
nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống
mắt của người cần cấp thẻ căn cước.
Đối với thủ tục cấp thẻ căn cước với người từ đủ
06 tuổi đến dưới 14 tuổi cũng có quy định về bước thu nhận thông tin nhân dạng
và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt như
người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Đối với thủ tục cấp thẻ căn cước đối với người
dưới 06 tuổi thì cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin
nhân dạng và thông tin sinh trắc học.
Như vậy, chỉ có trường hợp trẻ dưới 06 tuổi thì không lấy thông tin sinh trắc học
là mống mắt còn các độ tuổi còn lại đều phải thực hiện lấy thông tin mống mắt.
Trên đây là những điểm mới của Luật Căn cước năm
2023.
9. Điểm mới trong công tác cấp thẻ Căn cước theo quy định của Luật Căn
cước
- Việc thay đổi mẫu thẻ căn cước không tác động
đến những người đã được cấp thẻ căn cước công dân; những thẻ căn cước công dân
đã được cấp sẽ vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng được ghi trong thẻ.
Luật quy định việc sắp xếp, lược bỏ một số
thông tin in trên thẻ căn cước công dân như vân tay, đặc điểm nhân dạng, thay
thế thông tin về nơi thường trú, quê quán thành nơi cư trú, nơi đăng ký khai
sinh… là để bảo đảm thuận lợi cho công dân khi sử dụng thẻ căn cước công dân, bảo
đảm tính riêng tư cho công dân khi thông tin sinh trắc học về vân tay được lưu
trữ bảo mật trong chíp điện tử.
Công dân không có nơi thường trú, tạm trú thì vẫn
được cấp thẻ căn cước công dân (như công dân Việt Nam đang định cư ở nước
ngoài…)
- Việc cấp đổi thẻ căn cước công dân khi có
thay đổi thông tin về nơi cư trú được thực hiện theo nhu cầu của công dân
(không bắt buộc); công dân có thể lựa chọn việc tích hợp thông tin vào căn cước
công dân điện tử (đây là tiện ích miễn phí trên ứng dụng VNeID) để thực hiện thủ
tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác mà không phải cấp đổi
thẻ căn cước công dân.
- Việc cấp lại thẻ căn cước công dân được thực
hiện trực tuyến qua Cổng dịch vụ công đem lại thuận lợi tối đa cho công dân.
Luật Căn cước quy định: Trong thời hạn 07 ngày
làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý căn cước phải
cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.