THÀNH TỰU CỦA TỈNH LÀO CAI TRONG 30 NĂM TÁI LẬP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN (1991-2021)

Lào Cai là một tỉnh vùng cao, biên giới - trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của khu vực Tây Bắc, là một trong những đầu mối thông thương kinh tế, giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Trải qua các cuộc đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước, cũng như trong cuộc sống luôn phải đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt để sinh tồn và phát triển đã hun đúc cho nhân dân các dân tộc Lào Cai truyền thống đoàn kết, yêu quê hương, đất nước, bản sắc văn hóa tốt đẹp, đạo lý thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, đặc biệt trải qua 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển (1991-2021), bên cạnh sự quan tâm của Trung ương, chia sẻ của các địa phương bạn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ đã chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đoàn kết, sáng tạo đề ra một số chủ trương lớn sáng tạo, hiệu quả cùng với sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền cơ sở và đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vượt khó vươn lên của lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Lào Cai đã đạt được những thành tựu quan trọng, bứt phá qua từng chặng đường lịch sử.

1. Tái lập, ổn định và kiến thiết quê hương (1991 - 2000)

Sau 16 năm cùng chung tay với nhân dân Yên Bái, Nghĩa Lộ xây dựng tỉnh Hoàng Liên Sơn, ngày 01/10/1991 tỉnh Lào Cai được tái lập. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai bắt tay vào xây dựng tỉnh mới trước nhiều khó khăn thách thức.

Trong 10 năm đầu tái lập, tỉnh đã dồn sức để khôi phục kinh tế, ổn định đời sống xã hội và từng bước kiến thiết quê hương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X năm 1992 đã xác định nền kinh tế của tỉnh xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn, thử thách. Đến Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI năm 1996, Đảng bộ tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng và bổ sung thêm nhiệm vụ trọng yếu là phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ, trong giai đoạn 1991 - 2000, bằng sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, các lĩnh vực đều đạt kết quả tích cực:

Về kinh tế: Tập trung sắp xếp, khôi phục, phát triển các ngành kinh tế nhằm bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, tạo dựng cơ sở cho giai đoạn sau. Qui mô GDP ngày càng lớn, năm 2000 gấp 2,1 lần năm 1991.

Nông nghiệp phát triển một cách toàn diện, khẳng định được vai trò ngành kinh tế trọng tâm, là nền tảng của địa phương. Quy mô sản xuất nông nghiệp năm 2000 gấp 1,6 lần năm 1991.

Công nghiệp được coi là đòn bẩy của toàn bộ nền kinh tế địa phương. Quy mô sản xuất công nghiệp năm 2000 gấp 2,6 lần năm 1991. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp luôn cao hơn nông nghiệp và dịch vụ, bình quân đạt 17,9%/năm. Vai trò, vị trí của công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh từng bước được khẳng định. Tỷ trọng giá trị sản xuất của công nghiệp trong GDP tăng lên, năm 1991 chiếm 16,9%, đến năm 2000 chiếm 19,6%.

Dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá cao, giai đoạn 1991-1995 tăng 22,6%/năm, đặc biệt, từ năm 1996 đến năm 2000, qui mô giá trị sản xuất dịch vụ tăng vượt bậc, năm 2000 gấp 7,7 lần năm 1995, gấp 16,9 lần năm 1991, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm đạt 17,3%/năm, so với cả nước đạt 9,4%/năm.

Du lịch phát triển mang lại một nguồn thu nhập không nhỏ, góp phần cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo và đóng góp đáng kể vào GDP của tỉnh, năm 2000 doanh thu từ du lịch đạt 36,45 tỷ đồng, gấp 1,8  lần năm 1995. Giai đoạn 1995- 2000, doanh thu từ du lịch tăng bình quân 27%/năm.

Tổng thu ngân sách hàng năm tăng nhanh, từ  năm 1992 đến năm 1995 thu ngân sách của Lào Cai tăng gấp 3,1 lần. Năm 2000, thu từ kinh tế địa phương đạt 316.205 triệu đồng, gấp 2,4 lần năm 1996, gấp 12,6 lần năm 1992.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội: Dưới tác động và yêu cầu của sự phát triển, một số lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ năm 1991 đến năm 2000 có bước chuyển biến tích cực, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Giáo dục và đào tạo: Cùng với việc mở rộng về quy mô, chất lượng giáo dục của tỉnh Lào Cai cũng được nâng lên. Đội ngũ giáo viên các cấp được tăng cường, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy, học được đầu tư trang bị, chất lượng giáo dục được nâng ca. Trong 10 năm đầu tái lập tỉnh, Lào Cai đã có 70.701 người được xóa mù chữ, có 99.709 học sinh tốt nghiệp tiểu học. So với năm học 1991-1992, số học sinh tốt nghiệp năm học 2000-2001 gấp 5,5 lần. Đến năm 2000, toàn tỉnh Lào Cai có 9 trường tiểu học đạt trường chuẩn quốc gia, số trường tiểu học học bán trú và học đủ 9 môn ngày càng nhiều hơn.

Y tế: đã có bước chuyển biến nhất định, hệ thống mạng lưới y tế từng bước được đầu tư xây dựng và hoàn thiện, đến năm 1995, bằng hình thức cắm điểm cán bộ y tế hoặc cán bộ của đội y tế lưu động, tỉnh Lào Cai đã xoá xã trắng về y tế. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm hơn, đến năm 2000, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đạt từ 90% đến 99%. Số trẻ đ­ược uống Vitamin A, năm 1993 mới đạt 35,19%, đến năm 2000 đạt tới 98,14%. Tỷ suất mắc bệnh sốt rét từ năm 1992 đến năm 1999 giảm hơn 7 lần. Năm 1996, tỉnh Lào Cai đã thành công trong công tác phủ muối Iốt trên toàn tỉnh. Công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được thực hiện. 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường hơn về số lượng và nâng cao về trình độ chuyên môn. So với năm 1991, đến năm 2000, số lượng cán bộ y tế, bác sĩ và dược sĩ có trình độ đại học tăng lên gấp 2,7 lần trong đó có 270 bác sỹ và dược sỹ đại học là 26 người. Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình cũng được tỉnh Lào Cai chú trọng. Tại thời điểm tách tỉnh (1991), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của Lào Cai là 3,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, đến năm 2000 tỷ lệ tăng dân số giảm còn 2,1%.

Văn hóa, thể dục, thể thao: Lào Cai đã đầu tư xây dựng thêm trung tâm văn hóa, tăng kinh phí cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng. Số trung tâm văn hóa huyện, thị xã tăng lên. Năm 1995 toàn tỉnh Lào Cai có 6 trung tâm, đến năm 2000 có 10 trung tâm văn hóa. Hệ thống truyền hình và truyền thanh cũng được mở rộng hơn. Năm 1991, toàn tỉnh Lào Cai mới có 15 trạm truyền hình và truyền thanh, đến năm 2000, Lào Cai có 108 xã, phường, thị trấn được phủ sóng truyền hình, có 98 xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh; nhiều huyện và xã được đọc báo trong ngày.

An sinh xã hội: Nhận thức được vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, trong 10 năm đầu tái lập (1991-2000), tỉnh Lào Cai đã thực hiện các chính sách và các chương trình giải quyết việc làm, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm y tế, chính sách ưu đãi đặc biệt; trợ giúp xã hội cho các đối tượng yếu thế, chính sách và các chương trình trợ giúp người nghèo và đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Về Quốc phòng, an ninh, quan hệ đối ngoại: Những năm đầu tách tỉnh, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Sau 10 năm tái lập tỉnh, các lực lượng vũ trang nhân dân và an ninh nhân dân đã làm tốt vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đặc biệt là ngoại giao nhân dân với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và cùng phát triển phục vụ tốt cho việc ký hiệp ước biên giới trên bộ. Các ngành trong khối nội chính được thường xuyên củng cố cả về tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, thực thi công việc công minh chính trực là chỗ dựa tin cậy của Đảng và Nhân dân.

Xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể: Công tác xây dựng Đảng về tổ chức, đội ngũ đảng viên được quan tâm. Bộ máy được tiến hành sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến của tổ chức cơ sở Đảng. Công tác phát triển Đảng được quan tâm cả về chất lượng, số lượng, tuổi trẻ, nữ, dân tộc, giai cấp. Năm 2000, tổng số đảng viên toàn tỉnh là 16.487 người, giảm số thôn bản chưa có đảng viên từ 413 thôn, bản năm 1995 xuống còn 202 thôn, bản.  Công tác dân vận có nhiều tiến bộ. Các phong trào do các tổ chức đoàn thể phát động đã có tác dụng nâng cao nhận thức, tập hợp vận động hội viên, đoàn viên tham gia vào nhiệm vụ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tổ chức hội và mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp nên đến thời điểm năm 2000, kinh tế, xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, thu nhập bình quân đầu người mới bằng 50% cả nước, tỷ lệ hộ đói nghèo còn ở mức cao, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và chất lượng nguồn nhân lực chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra.

2. Hướng mạnh về cơ sở, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới toàn diện (2001-2010)

Thành quả của 10 năm đầu tái lập tỉnh đã tạo tiền đề cơ sở vật chất để Đảng bộ Lào Cai quyết định đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phát triển cho giai đoạn 10 năm tiếp theo. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, XIII, Đảng bộ quyết định trong mỗi khóa đều ban hành các chương trình công tác trọng tâm với các đề án, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề và các chương trình hướng về cơ sở. Trong 10 năm, Thành tựu đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị đều thể hiện sự phát triển mạnh mẽ.

Lĩnh vực kinh tế: Trong 10 năm (2001-2010), kinh tế tỉnh Lào Cai có bước phát triển vượt bậc hơn so với 10 năm đầu tái lập tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ năm 2001 đến năm 2010 luôn ở mức 2 chữ số, cao hơn 10 năm đầu tái lập tỉnh, đặc biệt, qui mô GDP tăng nhanh chóng: năm 2005 gấp 6,4 lần năm 2000; năm 2010 gấp 1,8 lần năm 2005 và gấp 30,3 lần so với năm 1991. Điều đó, khẳng định sự vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào thực tế của Lào Cai, thể hiện bước phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo hướng CNH, HĐH trên địa bàn Lào Cai.

Kinh tế nông nghiệp của tỉnh Lào Cai từ 2001 đến 2010 tăng mạnh về năng suất và sản lượng cây lương thực, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh, bảo đảm được an ninh lương thực trên địa bàn toàn tỉnh, giúp nhân dân vùng cao, vùng khó khăn thoát khỏi cảnh thiếu đói lương thực thường niên, ổn định đời sống;  Giá trị sản xuất của nông nghiệp năm 2010 gấp 1,4 lần so với năm 2005 và gấp 2 lần năm 2001, tăng bình quân là 8,4%/năm, cao hơn 10 năm trước đó.

Về sản xuất công nghiệp, Lào Cai đã hàng loạt quyết sách và giải pháp đúng đắn, sáng tạo. Hạ tầng được tập trung đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế: Thành phố Lào Cai được mở rộng trên cơ sở sáp nhập thị xã Lào Cai và Cam Đường; trục đường 58m (Đại lộ Trần Hưng Đạo) được xây dựng giữa lòng thành phố; hình thành 2 khu công nghiệp là Đông Phố Mới với diện tích 100 ha và Tằng Loỏng có diện tích là 1.100 ha; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải với diện tích 80 ha. Chỉ tính trong 10 năm (2001- 2010), cơ sở sản xuất công nghiệp tăng 2,3 lần, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng lên 7,0 lần. Công nghiệp Lào Cai trở thành ngành kinh tế có qui mô lớn nhất trong cơ cấu kinh tế và có ảnh hưởng ngày càng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có thể thấy, bước phát triển đột phá của khu vực kinh tế công nghiệp, từ năm 2001 đến năm 2010, đã đưa Lào Cai từ một tỉnh nghèo nhất của Việt Nam dần vươn lên thành tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc.

Hoạt động thương mại, dịch vụ được mở rộng và phát triển hơn trước. Giá trị sản xuất kinh tế dịch vụ tăng khá nhanh, năm 2010 gấp 2,7 lần năm 2001, tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm đạt 13,4%/năm. Hoạt động xuất nhập khẩu từ năm 2001 đến năm 2010 được đẩy mạnh, kinh tế cửa khẩu được khai thác theo diện rộng và bước đầu theo chiều sâu ở Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, cửa khẩu Mường Khương; thế mạnh về kinh tế du lịch được khai thác hiệu quả ở Sa Pa, Bắc Hà, thành phố Lào Cai.

Với việc tập trung đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm thông qua các chương trình, đề án, đã nhanh chóng tạo ra những kết quả phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh mang tính đột phá.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2010 đạt 4.540,4 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2005 và gấp 34,8 lần năm 2001, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 15,7%/năm.

Lĩnh vực xã hội

Về giáo dục và đào tạo: Tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện các đề án “Phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở tỉnh Lào Cai giai đoạn 2001 - 2005 và đến 2010”, đề án “Phát triển giáo dục giai đoạn 2006 - 2010”, coi đây là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng, được đặt trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2001, Lào Cai có 100% số xã đạt chuẩn PCGDTH - chống mù chữ. Năm 2005, tỉnh Lào Cai đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi. Năm 2007, Lào Cai vẫn duy trì được kết quả PCGDTH đúng độ tuổi và hoàn thành các mục tiêu phổ cập giáo dục THCS, sớm hơn so với kế hoạch đề ra và sớm hơn nhiều địa phương khác trong cả nước. Giáo dục chuyên nghiệp mở rộng hơn về quy mô. Một số trường trung cấp của tỉnh Lào Cai được thành lập. Năm 2000, Trường Trung học Sư phạm Lào Cai được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Từ năm 2001 đến 2010 quy mô, loại hình và ngành nghề đào tạo mở rộng và đa dạng hơn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 8,1%, năm 2001 lên 27,8% vào năm 2010.

Về Y tế: Hệ thống mạng lưới y tế Lào Cai được củng cố, mở rộng và nâng cấp cả về y tế dự phòngđiều trị, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Năm 2006, tỉnh Lào Cai có 2 bệnh viện đa khoa tỉnh, đến năm 2010 có 4 bệnh viện đa tuyến tỉnh, 8 bệnh viện đa khoa huyện, 96 phòng khám đa khoa khu vực. Các cơ sở khám chữa bệnh có chiều hướng tăng, bên cạnh các cơ sở y tế công lập còn có các cơ sở y tế tư nhân. Năm 2001, tỉnh Lào Cai có 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế với 227 cơ sở y tế. Đến năm 2010 có 266 cơ sở y tế, gồm cả nhà nước và ngoài nhà nước. Năm 2010, Lào Cai đã hoàn thiện hệ thống y tế cho các tuyến tỉnh, huyện, xã phường, thị trấn và y tế thôn bản, nhiều người dân, trong đó có cả người nghèo, vùng sâu, vùng xa được hưởng dịch vụ y tế. 

Năm 2001 Lào Cai chưa có xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đến năm 2005, tỉnh Lào Cai có 5 xã đầu tiên đạt chuẩn quốc gia y tế, năm 2010 là 126 xã. Số giường bệnh cũng tăng lên, năm 2005 tổng số giường bệnh là 2.150, đến năm 2010 có 2.455 giường bệnh, có 7,7 bác sỹ/1vạn dân. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 33,5%, năm 2005 xuống còn 26%, năm 2010. Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng trên địa bàn tỉnh luôn đạt trên 90%. Công tác dân số, KHHGĐ, được tỉnh Lào Cai đẩy mạnh.

Các hoạt động văn hoá, thông tin được đẩy mạnh. Năm 2006, toàn tỉnh Lào Cai mới có 19% số thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa, đến năm 2010 tăng lên 36% số thôn bản có nhà văn hóa. Hệ thống thư viện tỉnh, huyện, thành phố được đầu tư, trang bị về sách báo. Hệ thống phát thanh, truyền hình được đầu tư đến các thôn bản, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Hoạt động thể dục thể thao có bước phát triển mới theo hướng xã hội hoá. Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" được nhân dân trong tỉnh hưởng ứng sôi nổi, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao năm 2000 là 2.000 hộ, đến năm 2005 là 6.100 hộ, năm 2008 là 7.458 hộ, chiếm 6,5% tổng số hộ trong toàn tỉnh. Đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có 69 nhà tập luyện và thi đấu thể thao, có hàng trăm điểm văn hóa - thể thao ở khu dân cư được xây dựng theo hướng xã hội hóa.

Chính sách an sinh xã hội:  Hàng năm, tỉnh Lào Cai đã tạo được việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhờ giải quyết được việc làm cho người lao động mà tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm khá nhanh. Chênh lệch tỷ lệ hộ nghèo giữa các vùng đã dần được thu hẹp, khoảng cách tỷ lệ nghèo giữa nông thôn năm 2006 là 34,79% đến năm 2010 chỉ còn là 19,9%.

Về Quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Công tác quốc phòng - an ninh có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế và đối ngoại. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được quan tâm đẩy mạnh. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Các vấn đề trên biên giới được giải quyết đúng nguyên tắc, quan điểm của Đảng và Nhà nước. Năm 2007, Lào Cai đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên thực địa, là địa phương đầu tiên trên tuyến biên giới Việt - Trung hoàn thành công tác phân giới cắm mốc, góp phần củng cố vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Hoạt động đối ngoại có những bước phát triển quan trọng và đi vào chiều sâumở rộng với các tỉnh vùng Tây Nam (Trung Quốc), với các tỉnh, thành phố trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các tỉnh kết nghĩa trong thời kỳ kháng chiến; tập trung khai thác lợi thế về cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được đẩy mạnh và đổi mới về phương thức hoạt động. Việc triển khai quán triệt, học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng được đổi mới, phù hợp với trình độ nhận thức của từng loại đối tượng, phát huy được tính chủ động, sáng tạo vận dụng chỉ thị, nghị quyết vào thực tiễn địa phương. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng và trong xã hội, tạo ra chuyển biến cơ bản về nhận thức tư tưởng, ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; phát huy dân chủ trong Đảng được chú trọng trong sinh hoạt Đảng và hoạt động của các cấp uỷ.

Công tác tổ chức và cán bộ được coi là khâu “đột phá” trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Công tác phát triển đảng gắn với xây dựng tổ chức đảng, chú trọng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, là nữ và tuổi trẻ; cơ bản xoá được thôn, bản, đầu mối chưa có đảng viên. Công tác đào tạo và bồi dưỡng được chú trọng, trong đó, đặc biệt quan tâm đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, là nữ và tuổi trẻ. Công tác quy hoạch, luân chuyển và tăng cường cán bộ đạt được kết quả quan trọng góp phần rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ qua thực tiễn. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng được tăng cường, phát hiện nhân tố điển hình và giữ nghiêm kỷ luật của Đảng. Công tác vận động quần chúng của hệ thống chính trị có những đổi mới và tiến bộ, tạo sự chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Thôn, bản, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước thực hiện dân chủ trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức. Đội ngũ cán bộ, hội viên tăng cả về số lượng và chất lượng. Nội dung hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên, nhân dân. Thường xuyên phát động các phong trào thi đua, tạo được sự đồng thuận xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

  Hoạt động của chính quyền các cấp không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo hướng vững mạnh toàn diện. Sự phối hợp hoạt động giữa HĐND với UBND tỉnh nhịp nhàng, hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc, đúng luật. Hoạt động giám sát được tăng cường và thực sự có kết quả, năng lực giám sát không ngừng được nâng lên.  Cải cách hành chính có những tiến bộ quan trọng, đặc biệt chú trọng đổi mới về thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế "một cửa", nhiều thủ tục hành chính và quy trình giải quyết được hợp lý, khoa học, giảm bớt phiền hà cho dân và doanh nghiệp.

3. Phát huy lợi thế, năng động, sáng tạo để phát triển nhanh và bền vững (2011-2021)

Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIV, khóa XV (giai đoạn 2011 – 2021), đã tập trung lựa chọn xây dựng các chương trình, đề án để lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực.

Lĩnh vực kinh tế

Khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng khó khăn được tập trung nguồn lực đầu tư có chuyển biến mạnh mẽ; các khu kinh tế, du lịch, đô thị phát triển, từng bước hình thành các vùng kinh tế động lực. Quan hệ kinh tế đối ngoại được triển khai hiệu quả.

Nông nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được mở rộng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; khu vực nông thôn có nhiều khởi sắc. Chương trình xây dựng nông thôn mới thiết thực, hiệu quả. Năm 2020, toàn tỉnh có 54 xã hoàn thành nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng nông thôn được tập trung đầu tư ngày càng đồng bộ. Diện mạo khu vực nông thôn thay đổi nhanh.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh; từng bước khẳng định là trung tâm luyện kim, hóa chất, phân bón của vùng và cả nước. Các dự án chế biến sâu khoáng sản được ưu tiên đầu tư, nhiều nhà máy đi vào hoạt động phát huy hiệu quả. Tiềm năng thủy điện được khai thác hợp lý. Các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, hệ thống quan trắc, xử lý môi trường. Chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp của tỉnh được triển khai hiệu quả, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Thương mại nội địa phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ được quan tâm đầu tư, phát triển đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa của Nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất hàng hóa.

Du lịch phát triển nhanh, từng bước trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”. Khu du lịch quốc gia Sa Pa được quy hoạch tổng thể, phân khu chức năng và chi tiết, từng bước hoàn thiện đầu tư. Nhiều dự án, sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng được tập trung đầu tư. Hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch được mở rộng; liên kết trong hoạt động du lịch tạo ra những chuỗi sản phẩm du lịch và dịch vụ đồng bộ. Các di tích, di sản văn hóa, danh lam, thắng cảnh, các sản phẩm du lịch bản sắc riêng của Lào Cai được khai thác, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho Nhân dân, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2019, Lào Cai đón 5,1 triệu lượt khách du lịch, Sa Pa trở thành một khu du lịch trọng điểm quốc gia, từng bước nâng tầm quốc tế.

Với việc tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chính thức đi vào hoạt động (9/2014) đã mở ra nhiều thời cơ cho Lào Cai. Tiềm năng, lợi thế được khai thác hiệu quả; liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh và giữa các ngành, lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu; liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc được tăng cường. Chủ động hợp tác với các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, các tỉnh, thành phố trong khu vực và trong cả nước.

Kết cấu hạ tầng đô thị, du lịch, cửa khẩu tiếp tục được đầu tư. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 09 đô thị: 01 đô thị loại II, 01 đô thị loại IV, 07 đô thị loại V và tương đương; hoàn thành nâng cấp huyện Sa Pa lên thị xã Sa Pa, từng bước hoàn thiện đầu tư xây dựng khu du lịch Quốc gia Sa Pa. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 26%. Các nguồn vốn đầu tư phát triển được huy động và sử dụng đạt kết quả cao. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tăng nhanh tỷ trọng các nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Các Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ phát triển đất của tỉnh được bổ sung nguồn bảo đảm thực hiện đầu tư, cho vay phát triển theo mục tiêu đạt hiệu quả. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao, năm 2019 đạt 9.500 tỷ đồng, gấp 10,4 lần năm 2000 và gấp 109 lần so với năm 1992.

Hoạt động tín dụng bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các thành phần kinh tế được quan tâm phát triển, bình đẳng trong sản xuất kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo.

Lĩnh vực xã hội

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt cao so với khu vực. Phổ cập giáo dục tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng, toàn tỉnh cơ bản đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 3. Tỷ lệ học sinh trung học cơ sở lên học trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, học nghề đạt trên 80%. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường về số lượng, chuẩn hóa về chất lượng. Cơ sở vật chất trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên và nhà ở bán trú, nhà vệ sinh cho học sinh được đầu tư. Trường học đạt chuẩn Quốc gia đạt 62,5%. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh.Các trường chuyên nghiệp của tỉnh, trung tâm dạy nghề được sắp xếp lại. Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai được thành lập (năm 2015), là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ yêu cầu phát triển của xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 55%.

Hoạt động khoa học và công nghệ được đẩy mạnh, gắn nghiên cứu với ứng dụng, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, các nhiệm vụ khoa học được triển khai theo cơ chế đặt hàng.  Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong quản lý, chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh (ICT Index) luôn xếp ở thứ hạng cao (top 10) trên cả nước.

Xây dựng và phát triển văn hóa gắn với hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư phát triển và phát huy hiệu quả. Di sản văn hóa các dân tộc, các tri thức bản địa được bảo tồn và phát huy giá trị. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thúc đẩy kinh tế phát triển, khơi dậy nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng. Các loại hình báo chí phát triển đáp ứng theo xu thế hiện đại, nội dung và hình thức ngày càng phong phú, hấp dẫn, bảo đảm chất lượng, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Công tác xóa đói, giảm nghèo tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ đạt kết quả cao. Đề án giảm nghèo bền vững và nhiều cơ chế, chính sách an sinh xã hội được quan tâm, tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn 8,46%. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chính sách an sinh xã hội được bảo đảm; các chính sách dân tộc phát huy hiệu quả. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2020 đạt 99%. Số bác sỹ trên 01 vạn dân đạt 12,3; giường bệnh trên 01 vạn dân đạt 41,1; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,2%, đạt mục tiêu Đại hội.

Quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Quốc phòng, chủ quyền biên giới quốc gia luôn đảm bảo, giữ vững. Bảo vệ tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị trên địa bàn. Đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hoạt động tuyên truyền tôn giáo trái pháp luật, hoạt động lợi dụng tranh chấp, khiếu kiện vi phạm pháp luật. Không để hình thành các “điểm nóng”, an ninh biên giới, an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước được bảo đảm. Đấu tranh có hiệu quả, kiềm chế sự gia tăng tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội; Công tác điều tra, xử lý tội phạm không để oan, sai và vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp.

Hoạt động đối ngoại được mở rộng, hợp tác quốc tế được tăng cường toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa - xã hội. Phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa” các quan hệ, hợp tác quốc tế trở thành định hướng đối ngoại của tỉnh. Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) được nâng lên, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; hợp tác với vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp), quan hệ với các địa phương nước ngoài, các vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế được mở rộng, là đối tác tin cậy của các nhà đầu tư và các nhà tài trợ quốc tế. Hợp tác với các địa phương trong nước được đẩy mạnh.

Xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể

Công tác xây dựng Đảng được thực hiện toàn diện. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được coi trọng, tăng cường. Công tác nghiên cứu lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống, sơ kết, tổng kết các nghị quyết của Đảng được thực hiện nghiêm túc từ cơ sở. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái thù địch ngày càng hiệu quả; việc nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng của Nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm thường xuyên; công tác đối thoại với nhân dân được triển khai kịp thời,…tạo đồng thuận cao trong đảng và toàn xã hội. Triển khai nghị quyết tiếp tục được đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp học tập. Chương trình hành động thực hiện nghị quyết bảo đảm khoa học, sát với tình hình thực tiễn. Cơ sở vật chất, kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ, giảng viên lý luận chính trị Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện được quan tâm. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nhiều đổi mới, sáng tạo, nền nếp trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên.

Bộ máy từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp ngày một tinh gọn, công tác cán bộ có chuyển biến tích cực. Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, gắn với việc thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Duy trì nền nếp, đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng được coi trọng, dân chủ trong Đảng được phát huy. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được coi trọng, thực hiện toàn diện, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo trong kiểm tra, giám sát của Đảng và thanh tra, giám sát của Nhà nước.

Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện tốt chức năng là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Hiệu lực, hiệu quả điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp được nâng cao, bảo đảm tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của cấp ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp. Tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động; chính quyền cơ sở được kiện toàn, đội ngũ cán bộ công chức cấp xã được chuẩn hóa; người hoạt động không chuyên trách được rà soát giảm số người, nâng cao chất lượng, chế độ, chính sách được bảo đảm.

Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ được phát huy, quyền làm chủ của Nhân dân được bảo đảm. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua đem lại hiệu quả thiết thực. Phương thức hoạt động, tổ chức thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được tích cực đổi mới. Huy động được sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân tham gia các chương trình xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa mang lại hiệu quả thiết thực.

Công tác dân vận đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Công tác tuyên vận gắn với phong trào thi đua “dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện nền nếp, hiệu quả ở các xã, phường, thị trấn. Công tác dân vận chính quyền các cấp có bước chuyển biến mạnh, triển khai hiệu quả trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài được tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, duy trì tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Những thành tựu to lớn đạt được sau 30 năm tái lập, đổi mới và phát triển là kết quả của của sự vận dụng, gắn kết lý luận và thực tiễn đổi mới ở Lào Cai. Trước thời cơ, vận hội mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lào Cai cần tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu, tạo ra những “đột phá” thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI,  quyết tâm đưa Lào Cai tiếp tục trở thành tỉnh phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025, tỉnh khá của cả nước năm 2030 và tỉnh phát triển vào năm 2045./.

Đỗ Thị huyền Thu - CC văn phòng - thống kê
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Đăng nhập
Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1